Cách Tính Lượng Calo Nạp Vào Cơ Thể Hàng Ngày Để Tăng Cân, Giảm Cân Hoặc Giữ Cân

Tất cả mọi hoạt động của chúng ta như chạy, nhảy, đi, đứng hay hoạt động của các nội tạng trong cơ thể thì đều phải tiêu hao năng lượng. Năng lượng có được là do thức ăn cung cấp. Khi đi vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành nhiệt năng để duy trì thân nhiệt, cơ năng để hoạt động, và điện năng để duy trì luồng điện sinh học. Do vậy, việc tính được lượng calo cần thiết để nạp vào cơ thể sẽ giúp cho bản thân nhận thức được một ngày nên ăn bao nhiêu là đủ. Một số người chọn con đường cắt giảm lượng thực phẩm hàng ngày nhằm có thân hình cân đối hơn, cũng có 1 vài trường hợp vì cắt giảm lượng thức ăn quá lớn trong một thời gian dài khiến cơ thể suy kiệt và phải nhập viện. Vậy, hàng ngày cần ăn bao nhiêu để có vóc dáng đẹp nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe? Chúng ta hãy cùng đi tính nhu cầu năng lượng cần nạp nhé!

Nhu cầu năng lượng = Chuyển hóa cơ bản x hệ số năng lượng

Giải thích:

  1. Nhu cầu năng lượng: Là tổng lượng calories cần nạp hàng ngày để duy trì hoạt động của cơ thể
  2. Chuyển hóa cơ bản: Là năng lượng chuyển hóa ở trạng thái nghỉ ngơi không vận động, chỉ có các bộ phận trong cơ thể hoạt động như tim, gan, phổi… Chuyển hóa cơ bản ở nữ thường lớn hơn nam, và trẻ em thì lớn hơn người lớn
  3. Hệ số năng lượng: Là hệ số hoạt động từ nhẹ cho đến nặng

Dựa theo công thức và dữ liệu 2 bảng trên, nếu 1 nam thanh niên 20 tuổi cao 170 cm và nặng 65 cân, lao động nhẹ thì nhu cầu năng lượng của anh ta cho 1 ngày là:

NCNL=(15,3 x 65 + 679) x 1,55 = 1673,5 x 1,55 = 2.594 kcal

Nếu anh ấy muốn giữ cân thì lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày là 2.594 kcal, muốn tăng cân thì lượng calo nạp vào cơ thể cần lớn hơn 2.594 kcal, và ngược lại cần giảm cân thì lượng calo nạp vào cơ thể phải nhỏ hơn số này. Lưu ý để đảm bảo cơ thể khi giảm cân không bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì anh ấy cần tối thiểu 1673,5 kcal nạp vào cơ thể hàng ngày.

Ngoài ra, để biết được lượng calories của từng thực phẩm các bạn nên lên trên mạng kiểm tra hoặc download một số phần mềm MyFitnessPal, Lifesum….

Cách Nấu Mọi Loại Nước Dùng

Nước dùng là thành phần rất quan trọng cho vô vàn loại món ăn trên thế giới. Không chỉ Việt Nam mà các nước châu Á và châu Âu cũng đều sử dụng nước dùng trong nền ẩm thực của họ. Các loại thảo mộc hay gia vị nêm được sử dụng để làm tăng hương vị của nước dùng giữa các quốc gia có thể khác nhau, nhưng, chung quy lại thì nước dùng được tạo bởi nước hầm xương, thịt hoặc nước hầm rau củ.

Có thể dễ dàng kể tên một số món ăn Việt cần sử dụng nước dùng như Phở, bún bò, hủ tiếu, bánh canh; món ăn Trung Quốc như mỳ bò, sủi cảo nước, món Nhật là ramen, udon, món Âu là xốt Veloutes, xốt Espagnole, món Pháp là ức gà xốt kem vv…

Để làm ra nước dùng ngon thì trước tiên ta phải khử được mùi cũng như cặn bẩn còn bám trên bề mặt thực phẩm. Nước dùng đạt chất lượng khi màu sắc nước dùng trong veo và có một lớp mỡ ở bên trên. Tỉ lệ xương và nước trong nước dùng gà thường là 1kg đi với 2 lít nước còn nước dùng bò, cá là 1kg/3 lít nước. Tùy từng loại xương mà thời gian ninh nước dùng khác nhau. Đối với cá là 30 đến 45 phút, gà từ 3 đến 4 tiếng, heo từ 4 đến 5 tiếng, bò từ 6 đến 8 tiếng.

Sau đây là phương pháp nấu nước dùng xương.

NƯỚC DÙNG XƯƠNG HEO

Nguyên liệu cần có:

– Xương heo: 400g

– Nước: 1,2 lít

– Hành tím: 2 nhánh

– Gừng: 1 củ

– Hành lá: 2 cọng

– Muối: 10g

– Rượu trắng: 50ml

Ghi chú: Ngoài những loại gia vị kể trên ta cũng có thể cho thêm 1 số loại gia vị khử mùi khác như sả, hành tây..

NGUYÊN LIỆU KHỬ MÙI VÀ CẶN BẨN

Các bước thực hiện

Bước 1: Rửa sạch xương, hành, gừng

Bước 2: Cắt lát gừng, cắt múi cau hành tím

Bước 3: Đun 1.2 lít nước, thả muối, hành, gừng, hành tím vào. Khi nước sôi thả dần dần xương heo vào. Sau đó đổ rượu trắng vào. Lưu ý mục đích của bước này là loại bỏ cặn bẩn và mùi hôi của thực phẩm nên ta cần cho xương vào lúc nước sôi. Không nên cho vào nước lạnh rồi mới đun bởi sẽ làm mất chất của thực phẩm.

Bước 4: Đến khi trên bề mặt nước nổi lớp bọt bẩn. Ta dùng muỗng canh gạt bỏ lớp bọt này đi. Ta nhớ gạt bỏ lớp bọt bẩn này từ phía cạnh nồi.

Bước 5: Khi thấy tâm sôi trong ta bỏ phần nước này đi rồi rửa sạch lại xương.

Bước 6: Ta đặt xương vào trong một nồi nước lạnh mới đun liu riu. Sau tầm 4 tiếng thì tắt bếp.

Ba Cách Rã Đông Thực Phẩm An Toàn

Sau thời gian bảo quản đông lạnh thực phẩm cần được rã đông để dễ dàng chế biến. Nếu rã đông sai cách sẽ khiến thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn. Điều này không những ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn mà còn ảnh hưởng đến chính sức khỏe của chúng ta. Như ta đã biết thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn trong khu vực nhiệt độ từ 5 đến 63 độ C, thực phẩm để ở ngoài càng lâu thì càng nhiều vi khuẩn xâm nhập, do đó chúng phải được đưa ra ngoài khu vực nhiệt độ nguy hiểm này càng nhanh càng tốt. Sau đây là ba cách rã đông thực phẩm an toàn.

1. Rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh

Đây là phương pháp tối ưu nhất và an toàn nhất để rã đông thực phẩm. Tuy nhiên phương pháp này tốn khá nhiều thời gian. Phụ thuộc vào từng loại thực phẩm mà chúng cần thời gian khác nhau để rã đông thông thường là từ 12 đến 24 tiếng.

2. Rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng

Cách rã đông này rất nhanh và tiện lợi. Mặc dù vậy thực phẩm phải được chế biến ngay sau khi bỏ ra ngoài lò vi sóng.

3. Rã đông bằng nước nóng

Thực phẩm được rã đông tại 140 độ C. Đầu tiên thực phẩm cần rã đông phải được bọc kín trong túi đựng thực phẩm. Đun một nồi nước cho sôi rồi tắt lửa. Sau đó ta nhúng thực phẩm vào trong nồi nước đó. Thực phẩm sẽ được rã đông sau tầm 10 đến 20 phút. Ta có thể thấy lớp ngoài của thực phẩm bị chín nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến chất lượng hay an toàn vệ sinh của thực phẩm. Cũng giống như rã đông bằng lò vi sóng, thực phẩm cần phải chế biến ngay sau đó.

Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Và Bảo Quản Thực Phẩm

I. Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm

Ngày nay rất nhiều người trong số chúng ta ngày càng có ý thức cao hơn về bảo vệ sức khỏe. Để có sức khỏe tốt, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được xem trọng. Trước khi đi vào vấn đề chính tôi xin kể một câu chuyện về anh A chuyên cung cấp thịt gia cầm bán ở chợ vào mùa hè.
Hàng ngày, anh A giết mổ một lượng gia cầm vào lúc ba giờ sáng. Khi giết mổ xong, anh ấy vận chuyển chúng bằng xe máy để đến kịp giờ chợ sáng vào lúc 5 giờ. Vào lúc 8 giờ cùng ngày, chị khách B đi qua chọn gà về làm cơm trưa. Chị B ấn tay vào thịt gà xét xem con gà này có còn tươi không, có chắc thịt không. Sau khi ưng ý, chị B nhờ anh A chặt gà hộ. Trước chị B, anh A đã chặt thịt cho những vị khách trước nên giờ dao của anh hơi “dơ” nên anh đã rửa sơ qua con dao với một ít nước rửa chén rồi chặt gà cho khách. Tiếp đến anh gom những miếng thịt này vào bị bóng rồi đưa cho chị khách xách về. Không may một cọng tóc của anh đã lọt vào trong bị bóng đó mà anh không hề hay biết.

Sau đây tôi xin hỏi bạn có thấy hình ảnh của mình hoặc người thân trong mẩu chuyện trên không? Nếu bạn là chị khách B bạn sẽ chế biến món gà đó chứ? Hãy đọc tiếp phân tích dưới đây nhé.

  1. Anh A vận chuyển gia cầm bằng xe máy

Thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn phải được bảo quản ngoài khu vực nhiệt độ nguy hiểm từ 5 độ C đến 63 độ C. Anh A vận chuyển gia cầm thuộc loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, anh ấy vận chuyển gia cầm đã chết bằng xe máy nên thực phẩm của anh đã bị nằm trong nhiệt độ nguy hiểm. Nhiệt độ quy định để chuyên chở thực phẩm lạnhdưới 5 độ C thực phẩm đông lạnhdưới -18 độ C.

2. Chị khách B ấn tay vào thịt gà

Một trong những tác nhân làm nhiễm khuẩn thực phẩmtác nhân vi sinh. Tác nhân vi sinh là sự lây nhiễm do vi trùng có thể xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm mốc và men lây lan vào thực phẩm. Tay của chị khách B khả năng cao là không sạch. Vi khuẩn từ ngón tay của chị đã có cơ hội nhiễm khuẩn vào thực phẩm.

3. Anh A rửa sơ qua con dao với một ít nước rửa chén rồi chặt gà cho khách

Nước rửa bát mặc dù là hóa chất dùng để làm sạch nhưng sau khi sử dụng nó cũng cần phải rửa qua nhiều lần nước mới có thể biến mất trên bề mặt dụng cụ. Anh A ở đây đã dùng chất tẩy rửa và sử dụng luôn dụng cụ dao đó khiến cho thực phẩm dễ bị nhiễm hóa chất (tác nhân hóa học).

4. Một cọng tóc của anh A đã bị lẫn với thực phẩm

Sự nhiễm bẩn vật lý có thể thấy bằng mắt thường. Ví dụ như đinh chốt, tóc, thủy tinh…có lẫn trong thực phẩm. Ở đây, cọng tóc của anh A đã gây bẩn cho thực phẩm.

Bạn thấy đấy thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn bởi nhiều cách khách nhau phải không nào?

II. Bảo quản thực phẩm

Một trong những phương pháp để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm là kiểm soát nhiệt độ.

BẢO QUẢN THỰC PHẨM TRONG TỦ LẠNH

Đối với thực phẩm là thịt, cá, gia cầm chưa phải chế biến ngay ta nên giữ tại ngăn đông của tủ lạnh dưới -18 độ C. Còn chế biến trong ngày, ta có thể để chúng ở ngăn mát tủ lạnh. Riêng rau, củ quả có thể bảo quản ở nhiệt độ cao hơn là từ 5 đến 8 độ C. Lưu ý khi bảo quản thực phẩm nên tuân theo phương pháp F.I.F.O (first in first out), có nghĩa là thực phẩm nào bảo quản trước thì đem ra sử dụng trước. Ngoài ra đối với những thực phẩm chín, thực phẩm tươi sống nên được đậy kín hoặc gói cẩn thận trước khi đem bảo quản tránh tình trạng chảy nước làm ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm.

Đối với thực phẩm khô nên lưu trữ ở nơi khô ráo, đậy kín và có không khí lưu thông. Thông thường là ở nhiệt độ phòng từ 20 đến 24 độ C. Những thực phẩm này còn phải được xếp cách mặt sàn ít nhất 45cm.

Trên đây là những thông tin đã được tổng hợp về những tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm và cách bảo quản đúng cách cho từng loại thực phẩm. Mong mỗi người chúng ta sẽ đều biết cách bảo quản thực phẩm đúng cách tránh cho hệ quả không mong muốn xảy ra.

Cách Thức Sử Dụng Dao Và Thớt

Chắc hẳn một số đọc giả sẽ cảm thấy hơi ngạc nhiên sao lại xuất hiện bài viết này. Chẳng phải dao và thớt là hai vật dụng quá thân thuộc và ai chả biết cách sử dụng chúng? Vâng, nếu bạn không gặp khó khăn gì cũng như quá thành thạo khi sử dụng hai vật dụng này thì hãy bỏ qua bài viết. Còn những ai cảm thấy tò mò thì hãy cùng tôi đào sâu chuyên đề này nhé!

Cách sử dụng dao

Trước tiên chúng ta hãy cùng xem cách cầm dao. Cầm sao cho thật chắc chắn và an toàn nhỉ. Nào, bạn hãy cầm dao bằng tay thuận lên nhé!

Ngón cái tại vị trí cuống dao
Ba ngón- giữa, áp út và ngón út ta đặt ở vị trí cuống dao
Ngón trỏ duỗi thẳng hoặc hơi cụp vào và đặt tại vị trí cuống dao đối diện với ngón cái

Thật dễ dàng phải không nào? Đối với những bạn đã từng học môn bóng bàn thì cách thức cầm dao này còn dễ như ăn phở ấy chứ.

Còn tay kia thì sao?

Khi giữ nguyên liệu bạn hãy quặp các ngón tay vào trong nhé. Nó giống như tay gấu vậy. Cách này sẽ giúp các ngón tay của bạn an toàn trong quá trình cắt thái.

Cách thức sử dụng thớt

Những đầu bếp trải qua đào tạo đều biết rằng có đến sáu loại thớt: thớt màu trắng, vàng, xanh lá, xanh nước biển, đỏ, và nâu. Thớt màu trắng chuyên dùng các cho các sản phẩm từ sữa; màu vàng cho gia cầm, xanh lá cho rau, xanh nước biển cho thủy, hải sản, đỏ cho thịt đỏ và nâu cho nguyên liệu đã chín. Sự phân chia này tránh xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn chéo. Vậy trong nhà chúng ta cũng nên sắm đến bảy loại thớt như này ư? Để giải quyết vấn đề hạn hẹp về chỗ để đồ và tiết kiệm chi phí trong gia đình chỉ cần sử dụng hai loại thớt là đủ. Một thớt chuyên thái thịt sống, và thớt còn lại cho rau và đồ chín.

Về vật liệu làm thớt, chúng ta thường thấy hai loại là thớt gỗ và thớt nhựa. Thớt gỗ khá đẹp về mặt mĩ quan cùng cảm giác chắc chắn trong khi đó thớt nhựa rẻ và không bị mốc sau quá trình sử dụng lâu. Một lời khuyên đến với bạn là hãy thay thớt gỗ ngay khi bạn thấy nó đã bắt đầu có dấu hiệu mốc nhé!

Ngoài ra, để tránh cho thớt bị dịch chuyển trong quá trình cắt thái, ta hãy kê nó trên một cái khăn sạch.