Cơm Rang

Cơm rang là một món ăn được chế biến nhanh nhưng lại đầy đủ dưỡng chất cho một ngày lao động mệt nhọc. Cơm thường được rang với trứng và một số loại thực phẩm cung cấp protein khác như thịt gà, thịt bò, giò heo… Cơm rang ngon nhất là từ phần cơm nguội được bảo quản qua đêm trong tủ lạnh.

Định lượng

Khẩu phần: 2 người ăn

Thời gian chế biến: 45 phút

Nguyên liệu cần có

  1. Cơm nguội: 2 bát
  2. Trứng: 2 quả
  3. Thịt nguội: 3 lát
  4. Tỏi: 2 tép
  5. Hành khô: 2 củ lớn
  6. Cà rốt: 1/2 củ
  7. Hành lá: 5 nhánh
  8. Đường: 2 thìa vơi
  9. Nước tương: 4 thìa
  10. Nước mắm: 1/2 thìa
  11. Tiêu: 1/2 thìa
  12. Dầu ăn: 1 muỗng (khoảng 30 ml)

Các bước chế biến

Bước 1: Thái nhỏ tỏi, hành khô, hành lá, cà rốt. Cắt hạt lựu thịt nguội. Đánh tơi 2 quả trứng

Bước 2: Đổ dầu vào chảo nhỏ. Khi dầu nóng cho khoảng 1/4 bát cơm nguội vào chiên cho giòn

Bước 3: Khi cơm đã giòn, màu hơi ngả vàng. Bỏ cơm nguội đã chiên lên giấy thấm dầu. Lọc lấy phần dầu.

Bước 4: Cho phần dầu ăn bước 3 vào chảo lớn. Bật bếp nhỏ lửa cho tỏi, hành khô, đầu hành lá vào phi đều cho thơm.

Bước 5: Cho trứng vào đảo đều tay, dầm trứng ra từng mảnh nhỏ.

Bước 6: Khi trứng bắt đầu chín, cho cà rốt, cơm nguội, thịt nguội vào đảo đều khoảng 1 phút.

CHO NGUYÊN LIỆU VÀO ĐẢO ĐỀU

Bước 7: Tiếp tục cho thêm 2 thìa vơi đường, 4 thìa nước tương, 1/2 thìa nước mắm cho cơm và rau củ cho thấm vị.

Bước 8: Khi cơm bắt đầu tơi, màu bóng đẹp, ta cho thịt nguội cùng tiêu, hành lá, cơm đã chiên giòn vào đảo trong vòng 30 giây.

Bước 9: Tắt bếp. Cho ra đĩa rồi thưởng thức.

Phở Gà

Phở được coi là món ăn truyền thống của ẩm thực Việt Nam. Món ăn này được ra đời và định hình tại Hà Nội và Nam Định những năm đầu thế kỷ 20. Một số giả thuyết cho rằng nguồn gốc của Phở bắt nguồn từ món ăn Quảng Đông mang tên “Ngưu nhục phấn” hay bắt nguồn từ món thịt bò hầm của Pháp có tên là Pot-au-feu. Dù sao thì món Phở đã trở thành món ăn không chỉ mang tính lịch sử mà còn rất phổ biến tại Việt Nam thời điểm hiện tại. Năm 1939, phở gà xuất hiện và cũng giống như phở bò, món ăn này rất được lòng thực khách.

Để nấu thành công món Phở Gà thì không thể thiếu bánh phở, thịt gà, nước dùng gà, gừng, hành tây cùng một số nguyên liệu thảo mộc như quế, ngò, hoa hồi…

PHỞ GÀ

Định lượng:

Khẩu phần: 2 người ăn

Thời gian chế biến: 2 tiếng 30 phút

Nguyên liệu cần có

-Bánh phở: 500g

-Gà:1/4 con (khoảng 500g)

-Gừng: 1 củ

-Hành tây: 1,5 củ

-Hành tím: 5 củ

-Gia vị nấu phở: 1 gói

-Hành lá: 3 nhánh

-Đường: 1 thìa

-Muối: 1 thìa

-Nước mắm: 1 thìa canh

-Tiêu: tùy thích

*1 thìa=10ml/10g

*1 thìa canh=30ml/30g

Trong gói gia vị nấu phở 25 gồm có: 20% quế, 16% thảo quả, 16% hạt ngò, 16% tiểu hồi, 12% hoa hồi, 11% đinh hương, 5% hành tím, 4% cam thảo

NGUYÊN LIỆU CHUẨN BỊ

Cách chế biến

Bước 1: Nấu nước dùng. Xem phương pháp nấu nước dùng tại đây

Bước 2: Nướng gừng, hành tây và hành tím ở 230 độ C cho đến khi lớp vỏ ngoài cháy xém, khoảng tầm 20 phút. Nếu có bếp than hoặc bếp hồng ngoại bạn có thể nướng trực tiếp lên đó. Sau đó cho những nguyên liệu này vào nồi nước dùng.

Bước 3: Sau khi nấu nước dùng được tầm 1 tiếng, bạn bắc 1 cái chảo rang các thành phần nguyên liệu có trong gia vị nấu phở. Đến khi thơm mùi thì tắt bếp.

RANG GIA VỊ

Bước 4: Cho các nguyên liệu này vào túi vải rồi thả vào nồi nước dùng tầm khoảng 30 phút.

THẢ GIA VỊ NẤU PHỞ VÀO NỒI NƯỚC DÙNG

Bước 5: Sau 30 phút, cho 1 thìa đường, 1 thìa muối, 1 muỗng canh nước mắm vào nồi nước dùng.

Bước 6: Trụng phở.

Bước 7: Cắt thịt gà thành thới mỏng, cắt nhỏ hành lá, hành tây rồi xếp vào tô cùng sợi phở. Rắc thêm ít tiêu tăng hương vị.

Spaghetti Carbonara

Spaghetti Carbonara là món mỳ Ý có trong thực đơn của hầu hết nhà hàng tây Âu tại Việt Nam. Món này có vị béo ngậy từ pho mai và thịt ba chỉ; thời gian chế biến cũng khá nhanh. Mời bạn vào bếp nấu món này cùng tôi nhé!

Định lượng

-Khẩu phần: 2 người ăn

-Thời gian chế biến: 30 phút

Nguyên liệu chuẩn bị:

1. Mỳ Ý sợi tròn: 200g

2.Thịt ba chỉ xông khói: 200g

3.Dầu olive: 10ml

4.Lòng đỏ trứng gà: 2 trứng

5.Phô mai Parmesan: 30g

6.Tiêu đen: tùy thích

MỘT SỐ NGUYÊN LIỆU CẦN DÙNG

Cách bước chế biến:

Bước 1: Cắt sợi 200g thịt ba chỉ xông khói rồi lấy 2 lòng đỏ trứng trộn với 30 bột phô mai Parmesan.

Bước 2: Đun 1 nồi nước sôi thêm 5g muối rồi cho mỳ vào tầm 8 đến 10 phút. Giữ lại tầm 250ml nước luộc mì.

Bước 3: Bắc chảo nóng cho 10ml dầu olive vào. Sau đó cho 200g ba chỉ xông khói đảo đều đến khi thịt đổi mầu cánh gián cùng với mỡ được tiết ra khỏi thịt.

ĐẢO ĐỀU THỊT XÔNG KHÓI

Bước 4: Cho mỳ vào trộn đều. Sau đó ta cho 250ml nước luộc mỳ vào trộn cùng.

Bước 5: Khi gần cạn nước ta tắt bếp rồi cho bột phomai parmesan đã trộn với lòng đỏ trứng từ trước vào trộn đều, thêm tiêu đen tùy thích.

Giải thích: Sức nóng của chảo và mỳ sẽ làm tan chảy bột phomai.

Spaghetti Aglio e Olio (Spaghetti Với Tỏi Và Dầu)

Spaghetti Aglio e Olio là một món ăn chính khác đến từ đất nước hình chiếc ủng. Rất nhiều người Việt không biết đến món mỳ này nhưng nếu bạn là người ăn chay và yêu thích ẩm thực Ý thì tại sao lại không thử món mới nhỉ?

Định lượng

Khẩu phần: 2 người ăn

Thời gian chế biến: 30 phút

Nguyên liệu

-Mỳ Ý sợi tròn: 200g

-Muối: 8g

-Dầu olive: 30ml

-Tỏi: 1 củ nhỏ

-Rau mùi; 25g

-Ớt bột: tùy thích

MỘT SỐ NGUYÊN LIỆU CHUẨN BỊ

Cách chế biến

Bước 1: Băm nhỏ tỏi hoặc bạn có thể cắt thành lát cũng được nhé.

Bước 2: Cắt nhỏ rau mùi

Bước 3: Đun một nồi nước sôi. Thêm nửa thìa muối (5g) rồi cho mỳ vào luộc tầm 8 đến 10 phút.

Bước 4: Cho 30ml dầu cùng tỏi đã băm vào chảo. Bạn cũng có thể cho nhiều hơn vì theo công thức gốc ở Ý họ cho rất nhiều dầu. Để lửa nhỏ. Để tỏi không bị cháy bạn có thể cho thêm ít nước luộc mỳ.

Bước 5: Khi mỳ chín ta vớt ra rồi cho vào chảo ở bước 4. Cho thêm tầm 3g muối (1/3 thìa) cùng 1 ít ớt bột vào.

Bước 6: Bỏ rau mùi vào. Tắt bếp rồi trộn đều mỳ với rau mùi.

Chè Trái Cây Thập Cẩm Giải Nhiệt

Chè trái cây là một trong những món ăn giải nhiệt ngon ngọt, thanh mát, và đặc biệt sử dụng toàn nguyên liệu từ tự nhiên. Từ nam chí bắc rất nhiều người mê món tráng miệng này. Hãy cùng tôi vào bếp thực hiện món này nhé!

Định lượng

Khẩu phần: 3 người ăn

Thời gian chế biến: 30 phút

Nguyên liệu cần có:

– Dưa hấu: 1/8 trái

– Ổi: 1/2 trái

-Thanh long: 1/2 trái

-Bột khoai: 20 gr

-Nước lọc: 100ml

-Đường: 40gr

-Sữa đặc: 40ml

-Sữa nguyên kem (full cream): 200 ml

-Nước cốt dừa: 100ml

-Đá: 3 viên

Cách chế biến

Bước 1: Cắt định hình ổi, dưa hấu, thanh long. Bạn cũng có thể cho thêm nhiều loại trái cây khác như mít, nho, dâu tây,… Nếu chưa chế biến ngay thì bỏ vào tủ lạnh.

Bước 2: Ngâm bột khoai vào trong nước sôi để nguội tầm 30 phút cho mềm.

Bước 3: Đun 1 nồi nước sôi rồi cho bột khoai vào luộc chín. Khi chín vớt ra để ngay vào nước lạnh cho săn lại.

Bước 4: Đun 100ml nước với 40 gram đường. Khuấy đều tay cho đường tan trong nước.

Bước 5: Đổ 40ml sữa đặc vào hỗn hợp bước 3. Khuấy đều.

Bước 6: Đổ 200ml sữa nguyên kem vào. Cuối cùng thêm 100ml nước cốt dừa. Để nhỏ lửa khuấy đều.

Bước 7: Xếp các nguyên liệu đã chuẩn bị vào bát cùng 1 ít đá đập nhỏ rồi đổ hỗn hợp nước cốt dừa vào sau đó thưởng thức 🙂

XẾP NGUYÊN LIỆU RA BÁT

Cách Tính Lượng Calo Nạp Vào Cơ Thể Hàng Ngày Để Tăng Cân, Giảm Cân Hoặc Giữ Cân

Tất cả mọi hoạt động của chúng ta như chạy, nhảy, đi, đứng hay hoạt động của các nội tạng trong cơ thể thì đều phải tiêu hao năng lượng. Năng lượng có được là do thức ăn cung cấp. Khi đi vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành nhiệt năng để duy trì thân nhiệt, cơ năng để hoạt động, và điện năng để duy trì luồng điện sinh học. Do vậy, việc tính được lượng calo cần thiết để nạp vào cơ thể sẽ giúp cho bản thân nhận thức được một ngày nên ăn bao nhiêu là đủ. Một số người chọn con đường cắt giảm lượng thực phẩm hàng ngày nhằm có thân hình cân đối hơn, cũng có 1 vài trường hợp vì cắt giảm lượng thức ăn quá lớn trong một thời gian dài khiến cơ thể suy kiệt và phải nhập viện. Vậy, hàng ngày cần ăn bao nhiêu để có vóc dáng đẹp nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe? Chúng ta hãy cùng đi tính nhu cầu năng lượng cần nạp nhé!

Nhu cầu năng lượng = Chuyển hóa cơ bản x hệ số năng lượng

Giải thích:

  1. Nhu cầu năng lượng: Là tổng lượng calories cần nạp hàng ngày để duy trì hoạt động của cơ thể
  2. Chuyển hóa cơ bản: Là năng lượng chuyển hóa ở trạng thái nghỉ ngơi không vận động, chỉ có các bộ phận trong cơ thể hoạt động như tim, gan, phổi… Chuyển hóa cơ bản ở nữ thường lớn hơn nam, và trẻ em thì lớn hơn người lớn
  3. Hệ số năng lượng: Là hệ số hoạt động từ nhẹ cho đến nặng

Dựa theo công thức và dữ liệu 2 bảng trên, nếu 1 nam thanh niên 20 tuổi cao 170 cm và nặng 65 cân, lao động nhẹ thì nhu cầu năng lượng của anh ta cho 1 ngày là:

NCNL=(15,3 x 65 + 679) x 1,55 = 1673,5 x 1,55 = 2.594 kcal

Nếu anh ấy muốn giữ cân thì lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày là 2.594 kcal, muốn tăng cân thì lượng calo nạp vào cơ thể cần lớn hơn 2.594 kcal, và ngược lại cần giảm cân thì lượng calo nạp vào cơ thể phải nhỏ hơn số này. Lưu ý để đảm bảo cơ thể khi giảm cân không bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì anh ấy cần tối thiểu 1673,5 kcal nạp vào cơ thể hàng ngày.

Ngoài ra, để biết được lượng calories của từng thực phẩm các bạn nên lên trên mạng kiểm tra hoặc download một số phần mềm MyFitnessPal, Lifesum….

Pizza Bò Bằm – Beef Pizza

Ẩm thực Ý được đón nhận tại rất nhiều nơi trên thế giới và Pizza là một trong số đó. Món này rất phù hợp để mang đi hoặc mua ngoài ăn nhanh. Trên thế giới có rất nhiều cách làm món ăn này với vô vàn công thức khác nhau.

Trước khi đi vào vấn đề chính trước hết mời bạn đọc qua tổng quan về đế bánh pizza tại đây

Sau đây, tôi xin giới thiệu cách làm món Pizza bò bằm

Khẩu phần

– 2 cái bánh pizza

– Thời gian: 8 tiếng

Nguyên liệu

Đế bánh:

  1. Bột mì đa dụng: 291g
  2. Nước lạnh: 160ml
  3. Muối: 3g
  4. Men khô: 1g

Sốt cà chua:

  1. Cà chua chín rục/cà chua nguyên quả lon bỏ vỏ: 400g
  2. Muối: 2g
  3. Lá húng quế: 2 đến 3 nhánh

Nhân bánh:

  1. Thịt bò xay: 100g
  2. Hành tây: 1/4 quả
  3. Ớt chuông đỏ: 1/2 quả
  4. Bột tiêu đen: 2g
  5. Bột tiêu trắng: 2g
  6. Muối: 4g
  7. Đường: 8g
  8. Lá thyme khô: 2g
  9. Dầu olive: 30ml
  10. Phô mai Parmesan: 10g
  11. Phô mai Mozzarella: 100g

Cách chế biến

NHỒI BỘT: BƯỚC 1 ĐẾN BƯỚC 3

Bước 1: Cho muối hòa vào trong nước lạnh. Để đảm bảo men không bị muối “giết” thì ta cho khoảng 10% lượng bột cần dùng vào trước rồi mới cho men nở vào. Cuối cùng cho vào phần bột còn lại rồi nhồi bột. Nhồi đến khi khối bột không còn bị dính. Trong trường hợp khối bột khá nhão và dính ta cho thêm ít bột vào nhồi ngược lại nếu bột cứng, quá khó nhồi thì cho thêm ít nước. Lưu ý nên đổ từ từ bột hoặc nước để dễ điều chỉnh.

Bước 2: Cho bột ra mặt phẳng sạch tiếp tục nhồi. Dùng tay đẩy khối bột ra trước rồi kéo lại. Nhồi đi nhồi lại như vậy khoảng 10 phút. Bước này rất quan trọng, nó giúp cho khối bột trở nên dẻo và đàn hồi

Bước 3: Cho khối bột vào trong bát. Thêm một ít dầu olive bảo vệ bánh không bị khô. Dùng màng bọc thực phẩm đậy lại. Ủ bột ít nhất 6 tiếng.

Ủ BỘT ÍT NHẤT 6 TIẾNG

LÀM SỐT CÀ CHUA: BƯỚC 4 ĐẾN BƯỚC 5

Bước 4: Cho cà chua lon cùng 2 g muối cùng 3 nhánh húng quế (bỏ cuống) vào bát.

Bước 5: Dùng tay bóp nát cà chua cho đến khi hỗn hợp mịn hơn thì dừng.

LÀM NHÂN PIZZA: BƯỚC 6 ĐẾN BƯỚC 7

Bước 6: Thái hạt lựu nhỏ 1/4 củ hành tây, 1/2 ớt chuông đỏ.

Bước 7: Bắc chảo lên bếp. Cho 1 muỗng canh dầu olive cùng nguyên liệu bước 6 vào đảo đều dậy mùi thơm. Sau đó cho 100g thịt bò xay cùng 4g tiêu đen và tiêu trắng, 4g muối, 2g lá thyme khô vào đảo đều tay. Bước này bạn có thể điều chỉnh gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình.

TẠO HÌNH ĐẾ BÁNH, NƯỚNG BÁNH: BƯỚC 8 ĐẾN BƯỚC 16

Bước 8: Bánh ủ xong cho ra rồi lấy một ít bột áo ra nhào đến khi bột mịn hơn.

Bước 9: Cắt bột thành 2 phần bằng nhau. Lấy 1 phần ra thao tác trước, phần còn lại tạm thời đậy lại bằng màng bọc thực phẩm tránh cho bánh bị khô. Gấp mép trên và mép dưới của bánh vào với nhau. Sau đó gấp hai bên mép trái và mép phải của bánh vào với nhau. Lặp đi lặp lại như vậy 2,3 lần để mặt sau của bánh phồng lên thành hình tròn. Làm tương tự với khối bột còn lại.

Bước 10: Đậy kín 2 khối bột ra hai bát khác nhau thêm khoảng 30 phút nữa. Lúc này mở lò chế độ hai lửa, để nhiệt độ cao nhất. Lò của tôi là 230 độ C và để trong tầm 45 phút đến 1 tiếng. Nếu có pizza stone (đá nướng pizza) thì bạn nên bỏ vào lò nướng luôn ở bước này, đế bánh sau khi nướng bằng pizza stone sẽ rất giòn và màu cũng rất đẹp.

Bước 11: Lấy khối bột ra dùng tay ấn nhẹ cho bột dẹt ra. Cùng lúc đó tạo viền bột.

BƯỚC 12: Nhấc bột lên đảo qua đảo lại qua hai tay cho bột lớn ra.

Bước 13: Trải bột ra khay. Lấy 1 muỗng nước sốt cà chua phết đều trên mặt bột.

Bước 14: Cho khối bột vào lò đang nóng. Nướng tầm 15 phút. Nếu nhiệt độ lò của bạn cao hơn (khoảng 160 độ C) thì chỉ cần tầm 10 phút là bánh chín.

Bước 15: Khi viền bánh hơi ngả vàng ta lấy ra. Tiếp tục cho nhân bánh, bột pho mai parmesan và phô mai mozzarella cắt nhỏ lên trên. Cho vào lò nướng tầm 5 phút rồi bỏ ra.

Bước 16: Cắt bánh thành 8 phần bằng nhau rồi thưởng thức 🙂

Sủi Cảo Nhân Hẹ

Sủi cảo là món ăn chính rất phổ biến tại Trung Quốc. Món này hơi mất thời gian để chuẩn bị nên người ta thường làm một mẻ lớn rồi trữ đông khi cần có thể đem ra hấp, luộc hoặc chiên. Khi ăn sủi cảo thì ta không cần nấu thêm đồ ăn kèm bởi món ăn này đã đầy đủ 3 thành chính: bột, thịt và rau.

Trong bài viết này tôi xin giới thiệu cách làm sủi cảo nhân hẹ, Ngoài nhân hẹ ra thì cũng có thể thay thế các loại nhân khác như bắp cải, cải thảo…

SỦI CẢO NHÂN HẸ

Định lượng

Khẩu phần: 2-3 người ăn

Thời gian chế biến: 2 tiếng

Nguyên liệu

I. Phần vỏ

– Bột mì đa dụng: 250g

– Nước ấm: 125ml

– Muối: 2g/ 1/5 thìa

Giải thích: Sử dụng nước ấm làm vỏ dễ cán hơn, mép vỏ mỏng dễ nặn

II. Phần nhân

– Thịt heo xay: 300g

– Hẹ: 100g

– Đường: 5g/ 1/2 thìa

– Muối: 2g/ 1/5 thìa

– Nước tương: 1 thìa

– Dầu hào: 1 thìa

– Dầu mè: 1 thìa

– Tiêu: 1 ít

– Nước hầm xương: 1 muỗng canh

* 1 thìa=10g/ml

III. Nước chấm

– Tỏi: 2 tép

– Hành lá: 1 cọng

– Gừng: 1 nhánh

– Nước tương: 3 thìa

– Dầu mè: 1/2 thìa

– Ớt: tùy chỉnh

Sơ chế nguyên liệu

– Cắt nhỏ hẹ, hành lá để riêng

– Đập tỏi, ớt thái nhỏ

– Gừng thái sợi

Các bước thực hiện

Bước 1: Cho bột mì, muối, nước trộn đều.

Bước 2: Nặn mì đến khi khối bột trở nên dai, mịn không còn dính

NẶN BỘT

Bước 3: Để khối bột vào tô đậy kín lại bằng màng bọc thực phẩm hoặc bằng mảnh vải sạch. Ủ bột tầm khoảng 1 tiếng.

Bước 4: Cho thịt heo xay, hẹ thái nhỏ, đường, muối, tiêu, dầu hào, dầu mè và nước hầm xương vào trộn đều. Sau đó đậy lại bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

Bước 5: Sau khi ủ bột xong ta lấy khối bột ra. Lấy ngón tay tạo lỗ tròn chính giữa

TẠO LỖ TRÒN TẠI TÂM KHỐI BỘT

Bước 6: Từ tâm nặn bánh cho vòng tròn lớn ra

Bước 7: Cắt đôi khối bột vừa tạo thành 2 phần bằng nhau

Bước 8: Cắt thành từng miếng bằng nhau. Nếu có cân thì mỗi miếng khoảng 11g là vừa ăn

Bước 9: Dùng gậy cán bánh cho thật mỏng. Dùng gậy cán bánh từ trong ra ngoài làm sao cho mép bánh mỏng hơn so với tâm bánh. Các khối bột khác chưa sử dụng đến thì ta đậy lại bằng màn bọc thực phẩm giữ cho bánh không bị khô khó cán.

BÁNH SAU KHI CÁN SẼ TRÔNG NHƯ THẾ NÀY

Bước 10: Bỏ nhân bánh đã bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ra. Với mỗi vỏ bánh sẽ đi kèm với 1 thìa nhân. Sau đó nặn mép bánh. Cách đơn giản nhất là dùng tay nặn dính vỏ bánh kín lại với nhau. Cách khác là ta có thể dùng ngón trỏ và ngón cái nặn dính vỏ bánh tại điểm giữa sau đó gấp xếp mép vỏ bánh ở hai bên lại.

GẤP MÉP BÁNH

Bước 11: Đun một nồi nước cho sôi rồi thả lần lượt từng bánh vào trong nồi. Đun lửa vừa. Đến khi bánh nổi lên là bánh chín. Dùng vá vớt ra

Bước 12: Cho nước tương, hành, gừng, tỏi, ớt vào làm nước chấm

Chân Giò Heo Hầm Kiểu Đài Loan

Chủ nhật tới rồi mời mọi người cùng đổi món với cách làm món giò heo hầm kiểu Đài nhé! Món này có vị thanh ngọt, vị béo từ thịt giò và vị hơi cay từ gừng, màu nâu bóng đẹp.

Một điều cần lưu ý khi nấu món này là chân giò heo cần được khử mùi và làm sạch trước. Ta cần cho giò heo khi nước sôi để loại bỏ cặn bẩn và khử mùi. Không nên cho giò heo vào nước lạnh vì sẽ làm mất chất.

Nào chúng ta cùng bắt đầu~

CHÂN GIÒ HEO HẦM KIỂU ĐÀI

Định lượng

Khẩu phần: 2 người ăn

Thời gian chế biến: 1 tiếng 30 phút

Nguyên liệu

– Giò heo: 400g

– Hành khô: 2 củ

– Tỏi: 3 tép

– Gừng: 1 nhánh lớn

– Hành lá/hành baro: 3 nhánh/1 nhánh

– Quế: 1/2 thanh

– Hoa hồi: 1 quả

– Đường: 1/2 thìa canh+1 thìa (60g)

– Nước tương (đậm): 2 thìa

– Muối: 1/4 thìa

– Dầu ăn: 3 thìa

– Dầu hào: 1 thìa

– Rượu trắng: 2 muỗng canh

– Ớt: tùy chọn

– Nước: 2 bát cơm

*1 thìa= 10g/ml, 1 thìa canh=100g/ml

Sơ chế nguyên liệu:

– Cắt 1 củ hành khô, gừng, tỏi thành từng lát.

– 1 củ hành khô còn lại cắt múi cau

– Rửa sạch chân giò heo

GIA VỊ HẦM CHÂN GIÒ

Các bước chế biến:

Bước 1: Đun sôi một nồi nước rồi cho gừng, 1 ít muối, 1 củ hành khô đã cắt múi cau, 1 nhánh hành lá vào nồi.

Bước 2: Khi nước đã sôi từ từ thả chân giò heo vào, cho thêm 1 muỗng canh rượu trắng vào để khử mùi. Để lửa vừa. Nhanh tay loại bỏ bọt bẩn nổi trên mặt nước. Đến khi tâm sôi trong thì tắt bếp. Đổ bỏ nước. Rửa sạch giò heo.

KHỬ MÙI GIÒ HEO

Bước 3: Bật bếp để lửa vừa. Cho 1/2 muỗng canh đường (50g) vào chảo. Đến khi đường đổi màu cánh gián thì ta cho thêm 1/3 bát ăn cơm nước vào. Rồi cho 1/2 thìa dầu vào. Đến khi nước đường sánh lại thì tắt bếp. Đổ phần đường caramel này vào chân giò đã rửa sạch. Đảo đều cho chân giò ngấm màu.

Bước 4: Bắc chảo cho ít dầu sau đó cho hành khô, gừng và tỏi đã cắt lát vào đảo đều. Khi đã dậy mùi thơm ta cho tiếp 2 bát nước vào. Cho thêm 1 thìa đường, 1/4 thìa muối, 2 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, 1 muỗng rượu trắng, 1 quả hoa hồi, 1/2 nhánh quế cùng 2 nhánh hành vào cho thơm. Ở bước này ta có thể thử vị mặn ngọt để điều chỉnh lượng gia vị phù hợp hơn với khẩu vị của gia đình.

Bước 5: Tắt bếp. Đổ phần giò heo cùng phần nước đã đun ở trên vào nồi cơm điện (hoặc nồi áp suất) hầm trong vòng 45 phút. Nếu gia đình sử dụng nồi áp suất thì tầm khoảng 25 phút. Sau 45 phút chuyển chế độ từ hầm qua nấu cơm thêm 15 phút nữa thì tắt nồi.

HẦM GIÒ HEO BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN

Bước 6: Bỏ giò heo ra đĩa sạch. Trang trí bằng một ít hành. Ăn kèm với cơm và rau xanh.

CƠM GIÒ HEO

Tổng Quan Về Đế Bánh Pizza

Như ta có thể dễ dàng đoán được đế bánh gồm 4 thành phần chính: bột, nước, muối và men. Về thành phần bột thì rất nhiều đầu bếp người Ý khuyên rằng nên sử dụng bột TIPO 00. Bột TIPO 00 là loại bột được nghiền cực kì mịn, thường dùng để làm pasta và pizza. Nó giúp tăng độ dai của bánh và sợi mì. Tại Việt Nam loại bột này rất khó tìm và hơn nữa cũng khá đắt do đó tôi thấy phần lớn người Việt thường dùng bột mì hoặc bột mì đa dụng để làm đế bánh Pizza. Loại bột TIPO 00 này cũng rất ngốn nước. Để làm đế bánh Pizza đầu bếp thường cho theo tỉ lệ 100% bột đi với 65% nước. Đối với các loại bột khác thì chỉ rơi tầm 50 đến 55% nước. Hai thành phần khác là men và muối. Men giúp cho bột nở còn muối lại giúp diệt vi khuẩn cũng như tăng sức mạnh của gluten có trong bánh. Ngặt một nỗi nếu cho men và muối vào cùng một lúc, cùng một chỗ thì men có thể bị chết khiến bánh không được nở như mong muốn. Có hai cách làm đế bánh Pizza phổ biến như sau:

Cách thứ 1: Cho đường hoặc mật ong hòa vào nước ấm sau đó cho men nở (men khô-dry yeast) vào để kích hoạt men. Sau đó cho bột và muối vào rồi nhồi bột.

Cách thứ 2: Cho muối hòa vào trong nước lạnh. Để đảm bảo men không bị muối “giết” thì ta cho khoảng 10% lượng bột cần dùng vào trước rồi mới cho men nở vào. Cuối cùng cho vào phần bột còn lại rồi nhồi bột.

Lưu ý: Cách thứ 1, men được kích hoạt rất tốt trong nước đường ấm, khi thành phẩm được làm ra bánh cho độ xốp rất tốt. Nhưng nếu ta nhồi bột bằng máy thì nên nhớ rằng máy tạo độ ma sát rất lớn mà trong bột đã có sẵn nước ấm sẽ khiến cho khối bột rất nóng vô tình lại giết men. Nếu làm theo cách này tôi khuyên là nên nhồi bột bằng tay thì tốt hơn. Bởi vậy tôi thiên hơn về cách làm thứ hai.

Bánh Crepe Nhân Sô Cô La

Bánh Crepe là một loại bánh có nguồn gốc từ vùng Québec, nước Pháp sau đó được du nhập ra rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Món bánh này khá ngon và cách làm tương đối đơn giản. Chỉ cần bột mì, trứng, sữa, đường là ta đã có một bữa ăn tráng miệng ngọt ngào. Phần nhân bánh rất đa dạng, có thể bỏ sô cô la, mứt, hay trái cây tươi như chuối, dâu tây…tùy theo khẩu vị của từng người.

Khẩu phần

– 6 cái bánh

– Thời gian nấu: 30 phút

Nguyên liệu cần có

Phần vỏ bánh

– Bột mì: 150g-160g

– Sữa tươi không đường: 180ml/1 hộp

– Sữa đặc: 40g/40ml

– Muối: 1-2g

– Trứng gà: 2 quả

– Dầu ăn: 30ml

Phần nhân bánh

– Socola: 2-3 miếng

Phần decor

– Đường bột: 5-10g

MỘT SỐ NGUYÊN LIỆU CHUẨN BỊ

Cách chế biến

Bước 1: Cho sữa tươi, sữa đặc, muối cùng lòng đỏ trứng gà vào bát to. Dùng phới lồng đánh lên.

Bước 2: Rây bột vào hỗn hợp bước 1 sau đó dùng phới lồng tiếp tục đánh cho bột tan.

Bước 3: Cho một ít dầu ăn vào chảo rồi đổ 1 thìa canh hỗn hợp bước 2 vào. Tráng đều lòng chảo. Bật lửa nhỏ đến khi thấy bề mặt bột phồng lên. Sau đó lật mặt sau của tráng cho lớp bột chín.

Bước 4: Cho sô cô la vào lò vi sóng quay cho thành dạng lỏng.

Bước 5: Trải lớp bột lên mặt phẳng. Quét lớp sô cô la lên một 1/2 lớp bánh rồi gập nửa bánh lại. Tiếp tục gập đôi 2 lần tạo thành hình tam giác (hình minh họa dưới)

Bước 6: Rây đường bột lên mặt bánh sau đó thưởng thức.

Cách Nấu Mọi Loại Nước Dùng

Nước dùng là thành phần rất quan trọng cho vô vàn loại món ăn trên thế giới. Không chỉ Việt Nam mà các nước châu Á và châu Âu cũng đều sử dụng nước dùng trong nền ẩm thực của họ. Các loại thảo mộc hay gia vị nêm được sử dụng để làm tăng hương vị của nước dùng giữa các quốc gia có thể khác nhau, nhưng, chung quy lại thì nước dùng được tạo bởi nước hầm xương, thịt hoặc nước hầm rau củ.

Có thể dễ dàng kể tên một số món ăn Việt cần sử dụng nước dùng như Phở, bún bò, hủ tiếu, bánh canh; món ăn Trung Quốc như mỳ bò, sủi cảo nước, món Nhật là ramen, udon, món Âu là xốt Veloutes, xốt Espagnole, món Pháp là ức gà xốt kem vv…

Để làm ra nước dùng ngon thì trước tiên ta phải khử được mùi cũng như cặn bẩn còn bám trên bề mặt thực phẩm. Nước dùng đạt chất lượng khi màu sắc nước dùng trong veo và có một lớp mỡ ở bên trên. Tỉ lệ xương và nước trong nước dùng gà thường là 1kg đi với 2 lít nước còn nước dùng bò, cá là 1kg/3 lít nước. Tùy từng loại xương mà thời gian ninh nước dùng khác nhau. Đối với cá là 30 đến 45 phút, gà từ 3 đến 4 tiếng, heo từ 4 đến 5 tiếng, bò từ 6 đến 8 tiếng.

Sau đây là phương pháp nấu nước dùng xương.

NƯỚC DÙNG XƯƠNG HEO

Nguyên liệu cần có:

– Xương heo: 400g

– Nước: 1,2 lít

– Hành tím: 2 nhánh

– Gừng: 1 củ

– Hành lá: 2 cọng

– Muối: 10g

– Rượu trắng: 50ml

Ghi chú: Ngoài những loại gia vị kể trên ta cũng có thể cho thêm 1 số loại gia vị khử mùi khác như sả, hành tây..

NGUYÊN LIỆU KHỬ MÙI VÀ CẶN BẨN

Các bước thực hiện

Bước 1: Rửa sạch xương, hành, gừng

Bước 2: Cắt lát gừng, cắt múi cau hành tím

Bước 3: Đun 1.2 lít nước, thả muối, hành, gừng, hành tím vào. Khi nước sôi thả dần dần xương heo vào. Sau đó đổ rượu trắng vào. Lưu ý mục đích của bước này là loại bỏ cặn bẩn và mùi hôi của thực phẩm nên ta cần cho xương vào lúc nước sôi. Không nên cho vào nước lạnh rồi mới đun bởi sẽ làm mất chất của thực phẩm.

Bước 4: Đến khi trên bề mặt nước nổi lớp bọt bẩn. Ta dùng muỗng canh gạt bỏ lớp bọt này đi. Ta nhớ gạt bỏ lớp bọt bẩn này từ phía cạnh nồi.

Bước 5: Khi thấy tâm sôi trong ta bỏ phần nước này đi rồi rửa sạch lại xương.

Bước 6: Ta đặt xương vào trong một nồi nước lạnh mới đun liu riu. Sau tầm 4 tiếng thì tắt bếp.